Các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram ngày càng phát triển giúp việc trao đổi thông tin, giao tiếp dễ dàng hơn. Tuy nhiên nó cũng kéo theo những hệ lụy như việc mạo danh người khác, đặc biệt là những người nổi tiếng để thực hiện những mục đích khác nhau.
Mạo danh trên mạng xã hội: Từ người nổi tiếng đến người bình thường đều gặp
Mới đây, dư luận xôn xao vụ thanh niên tên D. mạo danh một đại gia có tiếng của Hà Nội để lừa tình một cô gái trẻ. Theo đó, D lập tài khoản Instagram với tên và các hình ảnh giống hệt vị đại gia kia để lừa một cô gái đến khách sạn quan hệ tình dục xong bỏ trốn. D tiếp tục lừa một cô gái khác nhưng không may cho D, cô này lại là bạn của vị đại gia nên vụ việc được phát hiện.
Đây không phải lần đầu tiên người nổi tiếng bị mạo danh trên mạng xã hội. Những người thường xuyên bị giả mạo Facebook, Instagram hay Zalo là các ca sĩ, diễn viên, người mẫu, cầu thủ, những người được nhiều người biết đến rất nhiều. Mục đích của việc giả mạo có thể khác nhau như lợi dụng danh tiếng của người bị giả mạo để quảng cáo, bán hàng; lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản; hay bôi nhọ danh dự của người khác…
Chỉ cần vào Facebook và gõ từ khóa Mai Phương Thúy sẽ cho ra một loạt trang facebook giả mạo có hình ảnh của Hoa hậu này… Một số facebook giả mạo Hoa hậu để bán hàng, quảng cáo, một số khác thì để “câu like”.
Vào năm 2013, một kẻ đã giả mạo Facebook ca sĩ Wanbi Tuấn Anh (đã mất), kêu gọi mọi người quyên góp trả nợ với số tiền lên đến 6 tỉ đồng. Kể giả mạo đăng tải khá thuyết phục khi kể lại chi tiết tình trạng nợ nần vì bệnh tật của ca sỹ Wanbi Tuấn Anh lúc còn sống. Sau đó, ghi cụ thể số tài khoản ngân hàng để cho “fan” gởi tiền vào và những lời chia sẻ cảm động. Trước vụ việc này, quản lý của Wanbi Tuấn Anh lên tiếng xác thực và cảnh báo kẻ lừa đảo.
Tuy nhiên, không chỉ người nổi tiếng hay bị mạo danh mà những người bình thường cũng có thể gặp trường hợp tương tự. Trên Facebook, hàng ngày không thiếu những dòng tin cảnh báo mọi người về việc mạo danh để đề nghị mua thẻ điện thoại hoặc vay tiền. Những người tỉnh táo thì sẽ gọi điện trực tiếp cho chủ nhân tài khoản bị mạo danh để xác thực thông tin. Tuy nhiên có không ít người đã bị lừa cho kẻ mạo danh vay tiền. Thường thì số tiền mua thẻ hoặc cho vay không quá lớn nên người bị lừa ngại đụng chạm đến pháp luật nên cho qua, không truy cứu.
Có thể bị xử lý hình sự
Trao đổi với một số chuyên gia trong ngành Tư pháp, được biết, việc mạo danh người khác trên mạng xã hội có thể bị xử lý hình sự.
Điểm c Khoản 2 Điều 12 Luật Công nghệ thông tin năm 2006 nghiêm cấm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân.
Nhà nước và xã hội thực hiện các biện pháp phòng, chống các hành vi xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin. Quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin được bảo vệ theo quy định của pháp luật (Điều 67 Luật Công nghệ thông tin năm 2006).
Cá nhân, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật (Điều 77 Luật Công nghệ thông tin năm 2006)
Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 03/ 11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi pham hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Theo đó, hành vi: “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” sẽ bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (Điểm g Khoản 3 Điều 66); hành vi “giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác” sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (Điểm đ Khoản 3 Điều 64).
Bên cạnh đó, tùy tính chất, mức độ của hành vi vi phạm từ việc giả mạo tài khoản mạng xã hội của người khác, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu theo một hoặc những tội danh khác nhau được quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS).
Cụ thể, nếu giả mạo xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự người khác thì có thể cấu thành tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 121 BLHS, hình phạt tối đa đến 3 năm tù; hoặc “tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet” theo Điều 226 BLHS (hình phạt tối đa đến 7 năm tù); “tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo Điều 226b BLHS…
Nhìn chung, với sự phát triển của internet nói chung và mạng xã hội hiện nay, để hạn chế việc giả mạo người khác cũng như các hành vi vi phạm pháp luật khác trên môi trường mạng thì các cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm và quyết liệt hơn nữa đối với các hành vi vi phạm; người bị xâm phạm cũng cần có thái độ tích cực ngăn chặn hành vi vi phạm, có biện pháp phòng ngừa hành vi vi phạm, tránh trường hợp mặc kệ, “không thèm chấp”, để hậu quả xảy ra mới tìm cách giải quyết…